VIETGAP TRỒNG TRỌT | TCVN 11892-1:2017

TCVN 11892-1:2017 do Cục Trồng trọt biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Tiêu chuẩn này được biên soạn trên cơ sở hài hòa với ASEAN GAP và có tham khảo một số tiêu chuẩn GAP khác trên thế giới như: GlobalG.A.P, JGAP, với mục đích hướng dẫn các tổ chức và cá nhân sản xuất, sơ chế sản phẩm trồng trọt để bảo đảm an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm; sức khỏe và an toàn lao động đối với người sản xuất; bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất, sơ chế sản phẩm trồng trọt dùng làm thực phẩm.

2. Thuật ngữ, định nghĩa và từ viết tắt

2.1 Thực hành nông nghiệp tốt trong trồng trọt (Good Agricultural Practices for crop production)

Gồm những yêu cầu trong sản xuất, sơ chế sản phẩm trồng trọt để: bảo đảm an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm; sức khỏe và an toàn lao động đối với người sản xuất; bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

2.2 Thực phẩm (Food)

Sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm.

2.3 Sản xuất (Production)

Gồm các hoạt động từ gieo trồng đến thu hoạch, sơ chế và đóng gói tại nơi sản xuất hoặc vận chuyển đến nơi sơ chế.

2.4 Sơ chế (Produce handling)

Bao gồm hoạt động: loại bỏ những phần không sử dụng làm thực phẩm, phân loại, làm sạch, làm khô, đóng gói nhằm tạo ra thực phẩm tươi sống có thể ăn ngay hoặc tạo ra nguyên liệu thực phẩm hoặc bán thành phẩm cho khâu chế biến thực phẩm.

2.5 Cơ sở sản xuất (Producer)

Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động sản xuất hoặc sản xuất và sơ chế.

2.6 Cơ sở sản xuất nhiều thành viên hoặc nhiều địa điểm sản xuất (Producer group or multisites)

Cơ sở sản xuất có từ hai hộ hoặc hai thành viên hoặc hai địa điểm sản xuất trở lên áp dụng chung các quy định nội bộ để triển khai áp dụng thực hành nông nghiệp tốt trong trồng trọt.

2.7 Kiểm tra nội bộ (Self-assessment)

Quá trình kiểm tra để xác định mức độ thực hiện và duy trì sự phù hợp với VietGAP trong quá trình sản xuất, sơ chế, được lập thành văn bản, do cơ sở sản xuất tổ chức thực hiện.

2.8 Mối nguy (Hazard)

Tác nhân trong quá trình sản xuất, sơ chế thực phẩm có khả năng gây mất an toàn thực phẩm, gây hại cho sức khỏe con người, môi trường và làm giảm chất lượng sản phẩm.

2.9 Nguy cơ (Risk)

Khả năng xảy ra và mức độ gây mất an toàn thực phẩm, gây hại cho sức khỏe con người, môi trường và chất lượng sản phẩm do một hay nhiều mối nguy gây nên.

QUY TRÌNH CHỨNG NHẬN VIETGAP CỦA QUACERT

1. Tiếp xúc ban đầu

QUACERT cung cấp cho Tổ chức đăng ký chứng nhận các thông tin cần thiết bao gồm: Nguyên tắc và Điều kiện chứng nhận, quá trình, thủ tục chứng nhận, yêu cầu luật định và các thông tin có liên quan khác.

2. Đăng ký chứng nhận

Sau khi xem xét và hiểu rõ Nguyên tắc và Điều kiện chứng nhận, quá trình và thủ tục chứng nhận, Tổ chức đăng ký chứng nhận gửi QUACERT bản "Đăng ký chứng nhận" được ký bởi đại diện có thẩm quyền.Trường hợp nhà sản xuất đăng ký kiểm tra chứng nhận VietGAP là tổ chức có nhiều thành viên thì cần gửi kèm theo danh sách thành viên (thành viên, địa chỉ, địa điểm, diện tích sản xuất) Tổ chức cũng cần gửi cho QUACERT bản đồ giải thửa, phân lô khu vực sản xuất, khu vực sơ chế, bảo quản, các kết quả thử nghiệm,… nếu có

3. Xem xét đăng ký chứng nhận và Thiết lập chương trình đánh giá

Trước khi tiến hành đánh giá, QUACERT tiến hành xem xét đăng ký chứng nhận và thông tin hỗ trợ. Sau đó, dựa trên kết quả xem xét đăng ký chứng nhận, QUACERT sẽ thiết lập chương trình đánh giá cho Tổ chức xin chứng nhận.

4. Chuẩn bị đánh giá

Dựa vào kết quả xem xét Đăng ký chứng nhận, QUACERT phải xác định yêu cầu năng lực của các cán bộ liên quan trong đoàn đánh giá và cán bộ thực hiện các quyết định chứng nhận. QUACERT phải đảm bảo rằng mọi nhiệm vụ giao cho đoàn đánh giá được xác định rõ và truyền đạt tới Tổ chức chứng nhận.

5. Đánh giá chứng nhận

QUACERT tiến hành đánh giá chứng nhận tại dịa điểm của Tổ chức đăng ký chứng nhận.

6. Kết luận đánh giá chứng nhận và Báo cáo đánh giá

Đoàn chuyên gia đánh giá của QUACERT phải phân tích tất cả các thông tin và bằng chứng liên quan đã thu thập được trong suốt quá trình đánh giá để xem xét các phát hiện đánh giá và thống nhất các kết luận đánh giá.

Trong quá trình đánh giá, tại một số công đoạn, đoàn chuyên gia đánh giá của QUACERT sẽ tiến hành lấy mẫu thử nghiệm nếu cần thiết

7. Quyết định chứng nhận

Đoàn đánh giá phải cung cấp toàn bộ thông tin cần thiết cho Ban kỹ thuật của QUACERT để kiểm tra xác nhận trước khi kiến nghị chứng nhận, bao gồm Báo cáo đánh giá, các kết quả thử nghiệm, nhận xét, xác nhận thông tin cung cấp cho QUACERT, kiến nghị cấp hoặc không cấp giấy chứng nhận và các điều kiện hoặc lưu ý.

Trường hợp đoàn đánh giá có lấy mẫu thử nghiệm, đơn vị được đánh giá có trách nhiệm gửi cho QUACERT Kết quả thử nghiệm (bản chính) ngay sau khi nhận được từ phòng thử nghiệm được chỉ định.

Ban Kỹ thuật sẽ xem xét toàn bộ hồ sơ đoàn chuyên gia đánh giá gửi về. Nếu tổ chức đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu của Nguyên tắc và Điều kiện chứng nhận, ban Kỹ thuật sẽ làm các thủ tục kiến nghị chứng nhận tiếp theo. Giấy chứng nhận cấp cho Tổ chức có hiệu lực tối đa 02 năm kể từ ngày ký quyết định cấp giấy chứng nhận. Tổ chức được chứng nhận có trách nhiện tuân thủ các yêu cầu của các Nguyên tắc và Điều kiện chứng nhận.

8. Hoạt động giám sát và duy trì chứng nhận

Hoạt động giám sát được thực hiện ít nhất một lần một năm tại cơ sở của Tổ chức. Thời gian đánh giá giám sát lần một thông thường không được quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của đánh giá giai đoạn 2.

9. Chứng nhận lại

Hoạt động đánh giá chứng nhận lại được tiến hành nhằm đánh giá việc Tổ chức tiếp tục tuân thủ các yêu cầu của tiêu chuẩn hệ thống quản lý liên quan.

10. Đánh giá mở rộng

Tổ chức đã được chứng nhận muốn mở rộng phạm vi chứng nhận phải gửi đăng ký chứng nhận mở rộng cho QUACERT. Khi nhận đăng ký, QUACERT phải xem xét và xác định hoạt động đánh giá cần thiết để quyết định mở rộng hoặc không mở phạm vi đã được chứng nhận.

11. Đánh giá đột xuất

Thủ tục của QUACERT phải đảm bảo cân nhắc tới khả năng tiến hành đánh giá đột xuất Tổ chức đã được chứng nhận để có thể điều tra các khiếu nại, đáp ứng đối với những thay đổi hoặc xem xét tiếp theo đối với những tổ chức đã bị đình chỉ

VIETGAP TRỒNG TRỌT | TCVN 11892-1:2017 [9]

(Ban hành năm 2017 - mới nhất)

1. Tập huấn

a) Người trực tiếp quản lý VietGAP phải được tập huấn về VietGAP trồng trọt hoặc có Giấy xác nhận kiến thức ATTP.

b) Người lao động phải được tập huấn (nội bộ hoặc bên ngoài) về VietGAP trồng trọt hoặc có kiến thức về VietGAP trồng trọt ở công đoạn họ trực tiếp làm việc. Nếu có sử dụng các hóa chất đặc biệt cần được tập huấn theo quy định hiện hành của nhà nước.

c) Người kiểm tra nội bộ phải được tập huấn (nội bộ hoặc bên ngoài) về VietGAP trồng trọt hoặc có kiến thức về VietGAP trồng trọt và kỹ năng đánh giá VietGAP trồng trọt.

2. Cơ sở vật chất

a) Dụng cụ chứa hoặc kho chứa phân bón, thuốc BVTV và hóa chất khác

- Phải kín, không rò rỉ ra bên ngoài; có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm; nếu là kho thì cửa kho phải có khóa và chỉ những người có nhiệm vụ mới được vào kho. Không đặt trong khu vực sơ chế, bảo quản sản phẩm, sinh hoạt và không gây ô nhiễm nguồn nước.

- Cần có sẵn dụng cụ, vật liệu xử lý trong trường hợp đổ, tràn phân bón, thuốc BVTV và hóa chất.

b) Nhà sơ chế, bảo quản sản phẩm (nếu có)

- Phải được xây dựng ở vị trí phù hợp đảm bảo hạn chế nguy cơ ô nhiễm từ khói, bụi, chất thải, hóa chất độc hại từ hoạt động giao thông, công nghiệp, làng nghề, khu dân cư, bệnh viện, khu chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nghĩa trang, bãi rác và các hoạt động khác.

- Khu vực sơ chế phải được bố trí theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng để tránh lây nhiễm chéo.

c) Trang thiết bị, máy móc, dụng cụ phục vụ sản xuất, sơ chế

- Phải được làm sạch trước, sau khi sử dụng và bảo dưỡng định kỳ nhằm tránh gây tai nạn cho người sử dụng và làm ô nhiễm sản phẩm.

- Bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm phải đáp ứng quy định của pháp luật về bao bì, dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm [11]; [12]; [13];

d) Phải có sơ đồ về: khu vực sản xuất; nơi chứa phân bón, thuốc BVTV, trang thiết bị, máy móc, dụng cụ phục vụ sản xuất, sơ chế; nơi sơ chế, bảo quản sản phẩm (nếu có) và khu vực xung quanh.

3. Quy trình sản xuất

Phải có quy trình sản xuất nội bộ cho từng cây trồng hoặc nhóm cây trồng phù hợp với điều kiện của từng cơ sở sản xuất và các yêu cầu của VietGAP trồng trọt.

4. Ghi chép và lưu trữ hồ sơ

- Phải thực hiện ghi chép các nội dung theo quy định tại Phụ lục C.

- Phải có quy định và thực hiện lưu trữ, kiểm soát tài liệu và hồ sơ. Thời gian lưu trữ hồ sơ tối thiểu là 12 tháng tính từ ngày thu hoạch để phục vụ việc kiểm tra nội bộ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

5. Quản lý sản phẩm và truy xuất nguồn gốc

- Sản phẩm phải đáp ứng quy định về: giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV[21], giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm[15], giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm trong thực phẩm[14] (chỉ tiêu và mức giới hạn cụ thể phụ thuộc vào từng sản phẩm). Trường hợp phát hiện có chỉ tiêu vượt mức giới hạn tối đa cho phép phải điều tra nguyên nhân, có biện pháp khắc phục hiệu quả, lập thành văn bản và lưu hồ sơ.

- Cơ sở sản xuất phải lấy mẫu và phân tích sản phẩm theo quy định trên cơ sở kết quả đánh giá nguy cơ (tham khảo Phụ lục E) trong quá trình sản xuất. Mẫu sản phẩm cần phân tích tại phòng thử nghiệm được công nhận hoặc chỉ định. Ghi phương pháp lấy mẫu sản phẩm và lưu kết quả phân tích.

Phải có quy định xử lý sản phẩm không bảo đảm ATTP.

Sản phẩm sản xuất theo VietGAP trồng trọt phải phân biệt với sản phẩm cùng loại khác không sản xuất theo VietGAP trồng trọt trong quá trình thu hoạch, sơ chế.

Phải có quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm giữa cơ sở sản xuất với khách hàng và trong nội bộ cơ sở sản xuất. Quy định truy xuất nguồn gốc phải được vận hành thử trước khi chính thức thực hiện và lưu hồ sơ.

6. Điều kiện làm việc và vệ sinh cá nhân

- Cần cung cấp các điều kiện làm việc, sinh hoạt và trang thiết bị tối thiểu, an toàn cho người lao động.

VÍ DỤ: Người pha, phun thuốc BVTV cần được trang bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị cân, đo, phun thuốc, bảo hộ lao động theo hướng dẫn trên nhãn của sản phẩm thuốc BVTV như: găng tay, mặt nạ…

- Nhà vệ sinh, chỗ rửa tay cần sạch sẽ và có hướng dẫn vệ sinh cá nhân.

- Cần có quy định về bảo hộ lao động, hướng dẫn sử dụng an toàn trang thiết bị, máy móc, dụng cụ trong quá trình sản xuất.

- Bảo hộ lao động (quần áo, găng tay, khẩu trang, ủng...) cần được vệ sinh sạch trước, sau khi sử dụng và để đúng nơi quy định, không để chung với nơi chứa thuốc BVTV, phân bón và các hóa chất khác.

- Cần có thiết bị hoặc dụng cụ sơ cứu và hướng dẫn sơ cứu để xử lý trong trường hợp cần thiết.

7. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại

- Phải có quy định giải quyết khiếu nại liên quan đến sản phẩm và quyền lợi của người lao động. Quy định này phải thể hiện cách tiếp nhận, xử lý và trả lời khiếu nại.

- Lưu hồ sơ về khiếu nại và giải quyết khiếu nại (nếu có).

8. Kiểm tra nội bộ

- Phải tổ chức kiểm tra theo các yêu cầu của VietGAP trồng trọt không quá 12 tháng một lần; khi phát hiện điểm không phù hợp phải phân tích nguyên nhân và có hành động khắc phục. Thời gian thực hiện hành động khắc phục trước khi giao hàng cho khách hàng nhưng không quá 03 tháng tùy thuộc nội dung điểm không phù hợp.

- Đối với cơ sở sản xuất nhiều thành viên và cơ sở có nhiều địa điểm sản xuất phải kiểm tra tất cả các thành viên, địa điểm sản xuất.

- Kết quả kiểm tra và hành động khắc phục các điểm không phù hợp với VietGAP trồng trọt phải lập thành văn bản và lưu hồ sơ, tham khảo mẫu tại Phụ lục D.

9. Đối với cơ sở sản xuất nhiều thành viên hoặc nhiều địa điểm sản xuất

Phải có quy định nội bộ về phân công nhiệm vụ, tổ chức sản xuất, kiểm tra, giám sát và được phổ biến đến tất cả các thành viên, địa điểm sản xuất.


VIETGAP TRỒNG TRỌT [10]

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2998/QĐ-BNN-TT ngày 02 tháng 7 năm 2014)

1. Điều kiện vùng sản xuất

a) Khu vực sản xuất phải nằm trong quy hoạch; đất trồng, nước tưới, nước rửa sản phẩm phải được xác định đủ tiêu chuẩn về độ an toàn theo quy định hiện hành.
b) Trường hợp có mối nguy gây ô nhiễm hóa học, sinh học, vật lý cao và không thể khắc phục được thì không đủ điều kiện sản xuất.
c) Kiểm tra độ an toàn của điều kiện sản xuất (phân tích lại mẫu đất, nước vùng sản xuất) được thực hiện theo quy định. Khi cần thiết phải xử lý ngay các nguy cơ gây ô nhiễm.

2. Quản lý đất trồng và vệ sinh đồng ruộng

a) Cần có biện pháp chống xói mòn, thoái hóa đất và thực hiện các biện pháp kỹ thuật trồng trọt (làm đất, bón phân hữu cơ, luân canh cây trồng...) hợp lý để bảo vệ nguồn tài nguyên đất trồng.
b) Cần có biện pháp hạn chế gây ô nhiễm đất trồng, nguồn nước tưới, môi trường của vùng sản xuất. Thu gom rác thải bảo vệ thực vật đúng nơi quy định.
c) Ghi chép và lưu giữ hồ sơ quản lý điều kiện sản xuất

3. Quản lý sử dụng phân bón và chất phụ gia

a) Chỉ sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc rõ ràng và trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
b) Không sử dụng phân hữu cơ chưa qua xử lý (phân tươi, chưa hoai mục), trường hợp tự sản xuất phân hữu cơ, phải thực hành đúng phương pháp, đảm bảo đủ thời gian.
c) Cần tuân thủ quy trình bón phân cho từng loại cây cụ thể (cách bón, liều lượng...), không bón quá liều lượng gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
d) Nơi cất giữ, chứa phân bón phải đảm bảo không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và chất lượng sản phẩm cây trồng.
e) Ghi nhật ký và lưu giữ hồ sơ sản xuất: Nhật ký thực hành sản xuất, Nhật ký mua vật tư nông nghiệp và Nhật ký Quản lý đầu vào của sản xuất

4. Quản lý, sử dụng nguồn nước trong sản xuất

a) Chỉ sử dụng nguồn nước đủ tiêu chuẩn an toàn theo quy định hiện hành trong hoạt động sản xuất (tưới, rửa và xử lý sau thu hoạch).
b) Không sử dụng nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt từ các bệnh viện, khu dân cư tập trung, trang trại chăn nuôi, lò giết mổ... trong hoạt động sản xuất (tưới, rửa, và xử lý sau thu hoạch).
c) Khi phát hiện có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước tưới, nước rửa sản phẩm phải thông báo và có biện pháp khắc phục kịp thời và ghi Nhật ký Quản lý điều kiện sản xuất, lưu giữ hồ sơ

5. Quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất

a) Người lao động và tổ chức, cá nhân sử dụng lao động phải được tập huấn về quản lý và sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất nông nghiệp bảo đảm an toàn cho con người và sản phẩm.
b) Cần áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
c) Chỉ mua thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất nông nghiệp từ các cửa hàng được phép kinh doanh.
d) Quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cần phải tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và hướng dẫn trên bao bì theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, nồng độ và đúng phương pháp):
- Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất khi sâu, bệnh đến ngưỡng phải phòng trừ, không được lạm dụng sử dụng khi chưa cần thiết;
- Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất nông nghiệp còn hạn sử dụng và trong danh mục được phép sử dụng cho từng loại cây trồng tại Việt Nam;
- Phải sử dụng hóa chất theo hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật chuyên trách để đảm bảo an toàn cho người sản xuất và sản phẩm;
- Phải cắm biển cảnh báo tại vùng (thửa ruộng) vừa phun thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất để mọi người biết rõ nguy cơ và phòng tránh;
- Xử lý hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật dư thừa hoặc lưu lại trong vỏ chứa theo quy định, đảm bảo không làm ô nhiễm môi trường.
e) Ghi nhật ký và lưu giữ hồ sơ: Nhật ký thực hành sản xuất, Nhật ký mua vật tư nông nghiệp đối với từng loại cây trồng, trong từng mùa, vụ kể từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch gồm các thông tin như: địa điểm sản xuất, thời gian, tên thuốc BVTV, hóa chất, tên loại sâu bệnh, liều lượng, cách phòng trừ, tên người thực hiện... và Nhật ký Quản lý đầu vào của sản xuất.
g) Nơi chứa, cất giữ thuốc BVTV, hóa chất phải đảm bảo cách ly theo quy định, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và chất lượng sản phẩm.
h) Không tái sử dụng các vỏ bao bì, thùng chứa hóa chất. Phải thu gom, xử lý rác thải BVTV đúng nơi và theo qui định của nhà nước.
i) Định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc thực hiện qui trình sản xuất và dư lượng hóa chất có trong sản phẩm cây trồng theo yêu cầu của khách hàng hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền. Các chỉ tiêu phân tích phải tiến hành tại các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế về lĩnh vực dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

6. Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch

a) Tuyệt đối phải đảm bảo thời gian cách ly (phân bón, thuốc BVTV, hóa chất) khi thu hoạch sản phẩm.
b) Sản phẩm sau khi thu hoạch không được để tiếp xúc trực tiếp với đất và hạn chế để qua đêm.
c) Chỉ rửa, sơ chế sản phẩm sau thu hoạch bằng nguồn nước sạch, đủ tiêu chuẩn an toàn theo quy định hiện hành.
d) Thiết bị, vật tư và đồ chứa:
- Thiết bị, thùng chứa hay vật tư tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm phải được làm từ các nguyên liệu không gây ô nhiễm;
- Thùng đựng phế thải, hóa chất bảo vệ thực vật và các chất nguy hiểm khác phải được đánh dấu rõ ràng và không dùng chung để đựng sản phẩm;
- Thường xuyên kiểm tra và bảo trì thiết bị, dụng cụ nhằm hạn chế nguy cơ ô nhiễm lên sản phẩm. Thiết bị, dụng cụ phải đảm bảo chắc chắn và vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng;
- Thiết bị, thùng chứa sản phẩm sau thu hoạch và vật liệu đóng gói phải cất giữ riêng biệt, cách ly với nơi chứa hóa chất, phân bón và phải có các biện pháp hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm.
e) Sơ chế, đóng gói sản phẩm
Khu vực xử lý, đóng gói và bảo quản sản phẩm phải tách biệt khu chứa xăng, dầu, mỡ và máy móc nông nghiệp, có hệ thống thoát nước để phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm lên sản phẩm.
g) Bảo quản và vận chuyển:
- Phương tiện vận chuyển, thùng chứa sản phẩm phải được làm sạch;
- Không bảo quản và vận chuyển sản phẩm chung với các hàng hóa khác có nguy cơ gây ô nhiễm sản phẩm.
h) Ghi chép và lưu giữ hồ sơ Nhật ký thu hoạch và bán sản phẩm

7. Quản lý và xử lý chất thải

Phải có biện pháp quản lý và xử lý chất thải, nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, sơ chế và bảo quản sản phẩm.

8. Đào tạo và quản lý công tác đào tạo, tuyên truyền

a) Người tham gia sản xuất phải được đào tạo đầy đủ kiến thức về Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); Quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) và Thực hành nông nghiệp tốt (GAP).
b) Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ATVSTP, sản xuất cây trồng an toàn cho mọi đối tượng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục.
c) Ghi nhật ký và lưu giữ hồ sơ Quản lý hoạt động đào tạo, tập huấn, tuyên truyền

9. Ghi Nhật ký sản xuất, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc

a) Tổ chức và cá nhân sản xuất rau an toàn theo “Hướng dẫn thực hiện các tiêu chí cơ bản của VietGAP cho sản xuất rau” phải ghi chép đầy đủ Nhật ký đồng ruộng, Nhật ký Quản lý sản xuất và lưu giữ hồ sơ.
b) Việc ghi chép nhật ký đồng ruộng, nhật ký quản lý sản xuất cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và có kiểm tra định kỳ.
c) Hồ sơ, Nhật ký đồng ruộng, Nhật ký quản lý sản xuất phải được theo dõi, quản lý và lưu giữ tại cơ sở sản xuất.
d) Thời hạn lưu trữ hồ sơ ít nhất hai năm hoặc lâu hơn nếu có yêu cầu của khách hàng hoặc cơ quan quản lý.
e) Cần ghi rõ địa chỉ, tên người sản xuất khi bán sản phẩm hoặc gắn tem nhãn lên sản phẩm để truy nguyên nguồn gốc.
g) Nếu phát hiện các yếu tố gây ô nhiễm trong sản phẩm vượt quá mức tối đa cho phép phải dừng ngay việc thu hoạch, mua, bán sản phẩm; cần thu hồi sản phẩm, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm và nhanh chóng áp dụng các biện pháp ngăn ngừa giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời ghi Nhật ký thu hoạch và bán sản phẩm và lưu giữ hồ sơ.

10. Kiểm tra nội bộ

a) Tổ chức và cá nhân sản xuất rau theo “Hướng dẫn thực hiện các tiêu chí cơ bản của VietGAP cho sản xuất rau” phải tiến hành kiểm tra nội bộ ít nhất mỗi vụ hoặc mỗi năm một lần.
b) Kết quả kiểm tra đánh giá (đột xuất hoặc định kỳ) của nội bộ hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải được lưu trong hồ sơ

VIETGAP TRỒNG TRỌT | TCVN 11892-1:2017 [8]

(Ban hành năm 2017 - mới nhất)

1. Đánh giá lựa chọn khu vực sản xuất

- Phải lựa chọn khu vực sản xuất phù hợp, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm khói, bụi. Khu vực sản xuất không bị ô nhiễm bởi chất thải, hóa chất độc hại từ hoạt động giao thông, công nghiệp, làng nghề, khu dân cư, bệnh viện, khu chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nghĩa trang, bãi rác và các hoạt động khác.

- Phải đánh giá nguy cơ gây ô nhiễm sản phẩm về hóa học và sinh học từ các hoạt động trước đó và từ các khu vực xung quanh. Trường hợp xác định có mối nguy phải có biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát hiệu quả hoặc không tiến hành sản xuất. Tham khảo hướng dẫn đánh giá nguy cơ tại Phụ lục E.

- Khu vực sản xuất VietGAP trồng trọt của cơ sở có nhiều địa điểm phải có tên hoặc mã số cho từng địa điểm.

- Khu vực sản xuất VietGAP trồng trọt cần được phân biệt hoặc có biện pháp cách ly và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm từ các khu trồng trọt không áp dụng VietGAP trồng trọt lân cận (nếu có).

2. Đất, giá thể, nước

a) Đất, giá thể, nước tưới có hàm lượng kim loại nặng không vượt quá giới hạn tối đa cho phép đối với tầng đất mặt đất nông nghiệp[17] và chất lượng nước mặt[18]. Chỉ áp dụng đối với chỉ tiêu kim loại nặng được quy định trong thực phẩm[15] đối với cây trồng dự kiến sản xuất.

b) Nước sử dụng sau thu hoạch đạt yêu cầu theo quy định về chất lượng nước sinh hoạt [19].

c) Phải theo dõi phát hiện mối nguy trong quá trình sản xuất, sau thu hoạch để đáp ứng yêu cầu tại a) và b). Khi phát hiện mối nguy phải áp dụng biện pháp kiểm soát, nếu không hiệu quả phải thay thế giá thể, nguồn nước khác hoặc dừng sản xuất.

d) Cơ sở sản xuất phải lấy mẫu đất, giá thể, nước và phân tích mẫu theo a), b) trên cơ sở đánh giá nguy cơ (tham khảo Phụ lục E) trong quá trình sản xuất. Mẫu cần phân tích tại phòng thử nghiệm được công nhận hoặc chỉ định. Ghi lại phương pháp lấy mẫu và lưu kết quả phân tích.

e) Trường hợp muốn tái sử dụng nguồn nước thải để tưới phải xử lý đạt yêu cầu theo quy định về chất lượng nước mặt dùng cho mục đích tưới tiêu.

f) Trường hợp sử dụng hóa chất để xử lý đất, giá thể, nước phải ghi và lưu hồ sơ về: thời gian, phương pháp, hóa chất và thời gian cách ly (nếu có).

g) Bảo vệ tài nguyên đất

Cần có biện pháp canh tác phù hợp với điều kiện đất đai, cây trồng; tránh gây ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên đất.

VÍ DỤ:

- Hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học, tăng cường sử dụng phân hữu cơ; trồng xen, luân canh với một số cây có khả năng cải tạo đất.

- Đối với đất dốc có biện pháp chống xói mòn như: trồng cây che phủ, trồng theo đường đồng mức, hình thành các hàng rào thực vật, làm đất thích hợp.

h) Bảo vệ tài nguyên nước

- Việc tưới nước cần dựa trên nhu cầu của cây trồng và độ ẩm của đất. Cần áp dụng phương pháp tưới hiệu quả, tiết kiệm như: nhỏ giọt, phun sương và thường xuyên kiểm tra hệ thống tưới nhằm hạn chế tối đa lượng nước thất thoát và rủi ro tác động xấu đến môi trường.

- Cần có biện pháp kiểm soát rò rỉ của thuốc BVTV và phân bón để tránh gây ô nhiễm cho nguồn nước.

VÍ DỤ: Nơi ủ phân hữu cơ cần chọn vị trí thấp, cuối nguồn nước, nước rò rỉ từ quá trình ủ phân cần thu gom xử lý.

- Các hỗn hợp hoá chất và thuốc BVTV đã pha, trộn nhưng sử dụng không hết phải được xử lý đảm bảo không làm ô nhiễm nguồn nước và sản phẩm.

3. Giống

- Phải sử dụng giống cây trồng có nguồn gốc rõ ràng, được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc giống địa phương đã được sản xuất, sử dụng lâu năm không gây độc cho người.

- Cần lựa chọn giống có khả năng kháng sâu bệnh và sử dụng hạt giống, cây giống khỏe, sạch sâu bệnh để giảm sử dụng thuốc BVTV.

4. Phân bón và chất bổ sung

- Phải sử dụng phân bón và chất bổ sung được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Nếu sử dụng phân gia súc, gia cầm làm phân bón thì phải ủ hoai mục và kiểm soát hàm lượng kim loại nặng theo quy định.

- Cần sử dụng phân bón theo nhu cầu của từng loại cây trồng, kết quả phân tích các chất dinh dưỡng trong đất, giá thể hoặc theo quy trình đã được khuyến cáo của cơ quan có chức năng.

- Phân bón và chất bổ sung phải giữ nguyên trong bao bì; nếu đổi sang bao bì, vật chứa khác, phải ghi rõ và đầy đủ tên, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng như bao bì ban đầu.

- Một số loại phân bón và chất bổ sung như: amoni nitrat, nitrat kali, vôi sống phải được bảo quản tránh nguy cơ gây cháy, nổ, làm tăng nhiệt độ.

5. BVTV và hóa chất

a) Cần áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) hoặc quản lý cây trồng tổng hợp (ICM). Trường hợp sử dụng thuốc BVTV phải sử dụng thuốc trong Danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc; đúng lúc; đúng nồng độ, liều lượng; đúng cách) hoặc hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, nhà sản xuất; mua thuốc tại các cửa hàng đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV.

b) Khi sử dụng thuốc BVTV phải có biện pháp ngăn chặn sự phát tán sang các ruộng xung quanh; phải có biển cảnh báo khu vực mới phun thuốc; thuốc BVTV đã pha không dùng hết cần được thu gom và xử lý theo quy định về chất thải nguy hại.

c) Cần có danh mục các thuốc BVTV được phép sử dụng trên cây trồng dự kiến sản xuất, trong đó bao gồm tên thương mại, hoạt chất, đối tượng cây trồng và dịch hại.

d) Trường hợp lưu trữ và sử dụng các loại nhiên liệu, xăng, dầu và hóa chất khác phải đảm bảo: được phép sử dụng, không gây ô nhiễm sản phẩm và môi trường, an toàn cho người lao động, các yêu cầu phòng chống cháy nổ.

e) Thuốc BVTV và hóa chất phải giữ nguyên trong bao bì; nếu đổi sang bao bì, vật chứa khác, phải ghi rõ và đầy đủ tên, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng như bao bì ban đầu. Các hóa chất không sử dụng hoặc hết hạn sử dụng phải thu gom và xử lý theo qui định. Bảo quản theo hướng dẫn ghi trên bao bì sản phẩm hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

6. Thu hoạch, bảo quản và vận chuyển sản phẩm

a) Thu hoạch sản phẩm phải đảm bảo thời gian cách ly đối với thuốc BVTV theo quy định hiện hành hoặc hướng dẫn của nhà sản xuất.

b) Cần thu hoạch vào thời điểm sản phẩm có chất lượng tốt nhất.

VÍ DỤ: Đảm bảo độ chín của sản phẩm hoặc theo yêu cầu của khách hàng khi thu hoạch; thu hoạch vào lúc trời râm mát và tránh thu hoạch khi trời đang mưa, ngay sau mưa.

c) Phải có biện pháp kiểm soát tránh sự xâm nhập của động vật vào khu vực sản xuất trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch và thời điểm thu hoạch, nhà sơ chế và bảo quản sản phẩm. Trường hợp sử dụng bẫy, bả để kiểm soát động vật cần đặt tại những vị trí ít có nguy cơ gây ô nhiễm cho sản phẩm, ghi và lưu hồ sơ.

d) Nơi bảo quản sản phẩm phải sạch sẽ, ít có nguy cơ ô nhiễm sản phẩm. Trường hợp sử dụng các chất bảo quản chỉ sử dụng các chất được phép sử dụng theo quy định hiện hành.

e) Phải vận chuyển, bảo quản sản phẩm trong điều kiện thích hợp theo yêu cầu của sản phẩm, không lẫn với các hàng hóa khác có nguy cơ gây ô nhiễm.

VÍ DỤ: Rau, quả tươi phải vận chuyển và bảo quản trong điều kiện mát; khoai tây được bảo quản trong điều kiện không có ánh sáng; không để chung sản phẩm với phân bón, hóa chất.

7. Quản lý rác thải, chất thải

a) Không tái sử dụng các bao bì, thùng chứa phân bón, thuốc BVTV, hoá chất để chứa đựng sản phẩm. Vỏ bao, gói thuốc BVTV, phân bón sau sử dụng phải thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường [22].

b) Rác thải trong quá trình sản xuất, sơ chế; chất thải từ nhà vệ sinh phải thu gom và xử lý đúng quy định.

8. Người lao động

Người lao động cần sử dụng bảo hộ lao động phù hợp với đặc thù công việc nhằm hạn chế nguy cơ ô nhiễm cho sản phẩm cũng như tác động xấu tới sức khỏe.

VIETGAP TRỒNG TRỌT [26]

(Dùng để kiểm tra, đánh giá nội bộ hàng vụ /năm)

(Ban hành kèm theo Hướng dẫn thực hiện các tiêu chí cơ bản của VietGAP cho sản xuất rau tại Quyết định số 2998/QĐ-BNN-TT ngày 02 tháng 7 năm 2014)

TT Thực hành Mức độ Ghi chú
I Điều kiện sản xuất
1 Vùng sản xuất có phù hợp với quy hoạch của Nhà nước và địa phương đối với loại cây trồng dự kiến sản xuất không? A Bắt buộc
2 Vùng sản xuất có đạt yêu cầu về độ an toàn (chất lượng đất trồng, nguồn nước tưới cho sản xuất) theo quy định chưa? A Bắt buộc
II Quản lý đất trồng và vệ sinh đồng ruộng
3 Đã tiến hành phân tích, đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn về hóa học, sinh vật, vật lý trong đất của vùng sản xuất chưa? A Bắt buộc
III Quản lý sử dụng phân bón và chất phụ gia
4 Chỉ sử dụng các loại phân bón có trong danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam phải không? A Bắt buộc
5 Chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ đã qua xử lý và có đầy đủ hồ sơ về các loại phân hữu cơ này phải không? A Bắt buộc
6 Đã ghi chép và lưu vào hồ sơ khi mua và sử dụng phân bón, chất phụ gia chưa? A Bắt buộc
IV Quản lý sử dụng nguồn nước trong sản xuất
7 Chất lượng nước tưới và nước sử dụng sau thu hoạch cho sản xuất đã đảm bảo theo tiêu chuẩn hiện hành chưa? A Bắt buộc
V Quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất
8 Người lao động và tổ chức, cá nhân sử dụng lao động đã được tập huấn về quản lý và sử dụng an toàn hóa chất nông nghiệp chưa? A Bắt buộc
9 Có áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) không? B Cần thiết
10 Hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc sinh học sử dụng trong sản xuất có trong danh mục được phép sử dụng không? A Bắt buộc
11 Có mua hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và vật tư nông nghiệp khác từ các cửa hàng có giấy phép kinh doanh không? B Cần thiết
12 Có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và hướng dẫn ghi trên bao bì, nhãn hàng hóa không? A Bắt buộc
13 Đã lập nhật ký và hồ sơ theo dõi việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất chưa? A Bắt buộc
14 Việc tiêu hủy hóa chất, bao bì có được thực hiện theo đúng quy định không? A Bắt buộc
15 Có định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc thực hiện quy trình sản xuất và dư lượng hóa chất có trong sản phẩm cây trồng không? A Bắt buộc
VI Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch
16 Việc thu hoạch sản phẩm có đúng thời gian cách ly không? A Bắt buộc
17 Khu sơ chế, đóng gói và bảo quản sản phẩm có được cách ly với kho, bãi chứa hóa chất, chất gây ô nhiễm không? A Bắt buộc
18 Có sử dụng nguồn nước sạch để rửa sản phẩm sau thu hoạch không? A Bắt buộc
19 Chất lượng nước sử dụng sau thu hoạch có đúng với qui định không? A Bắt buộc
VII Quản lý và xử lý chất thải
20 Nước thải, rác thải có được thu gom và xử lý theo đúng quy định không? A Bắt buộc
VIII Đào tạo và quản lý công tác đào tạo, tuyên truyền
21 Người lao động có được đào tạo đầy đủ kiến thức về Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), Quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) và Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) không? A Bắt buộc
22 Đã có biển cảnh báo vùng sản xuất rau, quả vừa mới được phun thuốc chưa? B Cần thiết
IX Ghi Nhật ký sản xuất, lưu giữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc
23 Đã ghi chép đầy đủ Nhật ký đồng ruộng, Nhật ký Quản lý sản xuất chưa? A Bắt buộc
24 Có kiểm tra nội bộ, ghi chép và lưu giữ hồ sơ kết quả kiểm tra nội bộ chưa? A Bắt buộc
25 Có ghi địa chỉ hoặc gắn tem nhãn lên sản phẩm để việc truy xuất nguồn gốc được dễ dàng không? A Bắt buộc
X Kiểm tra nội bộ
26 Đã tiến hành kiểm tra, đánh giá nội bộ ít nhất mỗi năm hoặc mỗi vụ một lần chưa? A Bắt buộc

Ghi Chú:

- Yêu cầu về mức độ thực hiện: bắt buộc thực hiện và cần thiết thực hiện tương tự như yêu cầu của VietGAP

- A là mức độ bắt buộc phải thực hiện; B là mức độ cần thiết phải thực hiện; Tùy vào yêu cầu, điều kiện cụ thể để thành lập Tổ kiểm tra, đánh giá.